Template Information

Home » » Thư ngỏ gửi Mạng Lưới Blogger Việt Nam (phần 1)

Thư ngỏ gửi Mạng Lưới Blogger Việt Nam (phần 1)

Written By Unknown on Thursday, April 24, 2014 | 7:58 PM

Nguyễn Ngọc Già - Kính thưa quý vị,

Với tư cách là một blogger độc lập, dù không tham gia vào “Mạng Lưới Blogger Việt Nam”, tôi vẫn nhận ra tôi đang hưởng lợi từ hoạt động dân sự của quý vị. Những gì quý vị làm, nó không chỉ mang lợi ích cho giới bloggger mà còn cho nhiều tầng lớp khác. Cho nên, để đáp lễ, tôi mạo muội đóng góp chút ý kiến thô thiển, mong quý vị xem qua như là sự tri ân của cá nhân tôi đối với quý vị, những người đang phải gánh chịu nhiều phiền toái, nguy hiểm cũng như nhiều oan ức từ sự vu khống theo cách hạ nhục nhân phẩm, bôi nhọ thanh danh từ phía công lực của giới cầm quyền Việt Nam.

Theo thông tin trên các báo đài nước ngoài và các trang web - blog, tôi được biết quý vị đã tổ chức 3 lần chủ đề “Cà Phê Nhân Quyền”, gồm có:

- Lần thứ 1: diễn ra tại Sài Gòn, ngày 01/3/2014.
- Lần thứ 2: diễn ra tại Hà Nội, ngày 20/3/2014.
- Lần thứ 3: diễn ra tại Nha Trang, ngày 19/4/2014.

Trong 3 lần tổ chức này, quý vị đã đưa ra 2 chủ đề để cùng nhau trao đổi:

- Nhân quyền & quyền tự do đi lại của công dân.
- Nhân quyền & công ước quốc tế về chống tra tấn (gọi tắt là CAT).

Trong 3 lần tổ chức, ngoài Hà Nội và Sài Gòn tạm coi như ổn thỏa, riêng tại Nha Trang, quý vị đã bị đàn áp, đánh đập và vu khống cho việc làm hợp pháp, ôn hòa và ích lợi cho mọi giai tầng trong xã hội. Vì thế, trước tiên tôi xin nói lời cảm kích và san sẻ với nỗi oan ức của quý vị.

Sau nữa, tôi xin đề nghị một số việc thiết thực cho kế hoạch tổ chức những hội thảo của quý vị như sau:

1. Trước mắt, trong khoảng thời gian mà tôi cho là 2 năm (2014 - 2015), quý vị chỉ nên chọn địa điểm tại Hà Nội và Sài Gòn cho hoạt động dân sự của mình. Lý do, đó là 2 thành phố hàng đầu mang tính đại diện cho chế độ. Ngoài ra, 2 thành phố này với các cơ quan ngoại giao quốc tế đầy đủ nhất cũng như tập trung nhiều giai tầng và đặc biệt các nhân vật nổi tiếng của nhiều lãnh vực, sẽ giúp hoạt động của quý vị được biết rộng rãi và nhanh chóng cũng như có thể góp phần nào đó tránh được những phiền toái mà quý vị hiểu rõ. Ở đây tôi không nói về sợ hãi mà ý muốn nói về tính thực tế và hiệu quả. Khi chúng ta làm việc gì, bất cứ ai cũng đều mong muốn thành công ở mức khả dĩ nhất.

2. Mỗi chủ đề quý vị đưa ra, đều nên lần lượt tổ chức tại 2 thành phố nói trên. Đơn cử, như chủ đề “Nhân quyền & quyền tự do đi lại của công dân” đã lần lượt tổ chức tại Sài Gòn, sau đó tại Hà Nội. Tuy nhiên, để thuận lợi và có thể quy tụ nhiều người tham gia, quý vị nên tổ chức theo định kỳ tháng, nghĩa là nếu Sài Gòn tổ chức tháng 3 thì Hà Nội sẽ tổ chức tháng 4. Tạo tính “định kỳ” để biểu tỏ sự kiên trì, thường xuyên và nhịp nhàng trong cách tổ chức của quý vị. Ngoài ra, vấn đề thời gian và thời điểm rất quan trọng, nó giúp cho những ai muốn tham dự chủ động với khoảng thời gian đủ dài để thu xếp, nhất là đối với những người bận rộn và nổi tiếng. Điều này cũng có nghĩa, quý vị cần công bố rõ giờ ngày tháng năm và địa điểm. Có khi, có người không tham gia được tại Hà Nội thì sẽ tham gia tại Sài Gòn và ngược lại. Tất nhiên, dù tại Sài Gòn hay Hà Nội hoặc bất cứ địa phương nào khác, mọi người sẽ chủ động thu xếp sao cho tiết kiệm cả thời gian và chi phí đi lại. Đây là vấn đề khó khăn nhất. Quý vị nên tâm niệm:

2.1 Ai cũng cần phải có tiền dù nhiều hay ít (ngay cả Hồ Chí Minh xưa kia cũng cần tiền [1] rất nhiều) để tham dự. Ở đây lại là tiền túi của mỗi cá nhân không ai cho ai cả. Nó khó khăn hơn gấp bội lần so với Hồ Chí Minh cầm tiền (nhẹ nhàng) của “quốc tế cộng sản”.

2.2 Ai cũng cần phải chủ động và thu xếp thời gian sao cho ổn thỏa nhất. Không dễ dàng như Hồ Chí Minh xưa kia “toàn tâm toàn ý” dồn sức “chuyên trách” hoạt động cho “cộng sản thế giới”. Quý vị cũng cần nhớ (trích) [2]: “Quốc hội nhiệm kỳ tới dự kiến tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên ít nhất 35%, tương tương 175 người” (hết trích). Huống chi quý vị, vừa phải lo làm ăn vừa phải làm việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tôi thật sự chua xót cho quý vị, khi liên hệ đến quốc hội hiện nay và Hồ Chí Minh năm xưa.

3. Tôi càng cám cảnh cho quý vị, khi nghĩ đến những ông (bà) cộng sản chỉ “chuyên trách” mỗi việc cho đảng (của họ) mà hàng tháng vẫn vô tư - vui vẻ, cầm tiền của nhân dân để sống như: Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ, Đinh Thế Huynh, Hà Thị Khiết, Ngô Văn Dụ v.v... và hàng trăm ông (bà) là bí thư, phó bí thư thành phố (tỉnh), quận (huyện), phường (xã), hội này (hội thanh niên VN), đoàn kia (Đoàn TNCSHCM) v.v... Tôi nói điều này không phải xiên xỏ gì các ông (bà) đảng viên đó, bởi tôi cảm thấy tiếc tiền thuế của mình, vì tôi không nhận được lợi ích nhỏ nhoi nào từ họ, trong khi chí ít, quý vị đã nói giùm tôi trong các cuộc hội thảo. Do đó, tôi đề xuất, quý vị hãy kêu gọi tài trợ công khai, rộng rãi từ các tổ chức NGO (kể cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp FDI). Đừng e ngại, vấn đề là thu chi luôn rõ ràng và bạch hóa. Quý vị nếu đồng ý thì nên cử đại diện (ít nhất là 2 người) mở tài khoản tại các ngân hàng: ANZ, HSBC, Citibank, Sumitomo Mitsui Banking Coporation (Nhật Bản), Industrial Bank of Korea (Hàn Quốc)... Tất cả những ngân hàng này đều có tại Việt Nam và có thể tìm thấy dễ dàng trên google. Đặc biệt chú ý:

3.1 Về phần thu: tuyệt đối không nhận tiền mặt (dù số tiền ít đi chăng nữa), chỉ nhận chuyển khoản. Đây là mấu chốt cho mọi vấn đề tránh khỏi điều tiếng, mỗi tháng (hay quý, 6 tháng) đều công khai trên trang nhà và có thể nhờ các trang khác công khai giúp một tay.

3.2 Về phần chi: tất cả phải có hóa đơn (ví dụ: chi cà phê starbuck's quá dễ vì luôn có phiếu tính tiền đi kèm, nhớ lưu những phiếu tính tiền cẩn thận). Đối với những khoản chi (ví dụ anh Paulo Thành Nguyễn hứa sẽ kêu gọi tài trợ gia đình anh Ngô Thanh Kiều mượn vốn làm ăn) cũng sử dụng chuyển khoản (người được tài trợ sẽ mở tài khoản tại ngân hàng nơi họ cư trú). Không nên để nhà tài trợ chuyển trực tiếp cho cá nhân đó (trong trường hợp này là gia đình Ngô Thanh Kiều). Bởi vì, có thể nhà tài trợ có thể giúp một phần tiền nào đó mà thôi, trong khi không thể biết gia đình Ngô Thanh Kiều cần bao nhiêu, do đó cần có thảo luận trong “Mạng Lưới Blogger Việt Nam” sau khi tổng kết tiền tài trợ và trước khi trao cho gia đình Ngô Thanh Kiều và còn cho nhiều tài trợ khác hay hoạt động khác. Vả lại, số tiền tài trợ cần quy về một mối, tránh lắt nhắt, nó sẽ làm khó tổng kết nếu không có đầu mối. Việc làm này vừa ghi nhận đầy đủ tấm lòng của tất cả nhà tài trợ vừa ghi nhận công sức của “Mạng Lưới Blogger Việt Nam” (tất nhiên quý vị có thể không nghĩ đến). Tuy nhiên, tôi đang khai triển theo ý tưởng cá nhân tôi với lòng biết ơn quý vị.

3.3 Quý vị không cần phải là những kế toán chuyên nghiệp, chỉ cần lập một bảng với một số cột: ngày tháng năm, thu, chi và một số cột khác tùy quý vị để sao cho bảng thu chi giản lược nhưng rõ ràng. Mỗi ngày có thu hay chi cần cập nhật ngay, mỗi tháng cố gắng tổng kết. Việc này sẽ làm quý vị nhẹ nhàng hơn trong quản lý lâu dài. Kế toán là một ngành hẹp, nhưng đòi hỏi thường xuyên và kỹ lưỡng, thế thôi. Đặc biệt nhờ công nghệ điện toán ngày nay, quý vị sẽ rất nhẹ nhàng cho công việc này. Phần kỹ thuật kế toán, nếu quý vị thấy cần trao đổi chi tiết, có thể gởi cho tôi thông qua hộp thư Dân Làm Báo, nhờ Ban biên tập chuyển giúp tôi (kỹ thuật này chẳng có gì khuất tất hay giấu giếm, nhưng viết ra trở nên dông dài). Mặt khác, khi thanh toán (thu, chi) qua ngân hàng, tất cả ngân hàng đều có lịch sử sao kê theo thời gian, đặc biệt nhờ công nghệ thông tin ngày nay, một khi cần đối chứng, kiểm tra, rà soát, rất dễ dàng với cách làm việc của các ngân hàng quốc tế. Tất nhiên, không cần phải nói, quý vị cũng biết không nên mở tài khoản tại các ngân hàng của Việt Nam, dù là “quốc doanh” hay “cổ phần”. Điều rất đau lòng và tủi nhục khi là người Việt Nam, nhưng buộc phải viết ra.

4. Theo mục 2 nói trên, sau khi tổ chức hội thảo tại Sài Gòn, quý vị nên có đúc kết để có thể ra một bản (tạm gọi là) tổng kết (ngắn gọn nhưng đầy đủ ý trong buổi thảo luận) những ý kiến của lần tổ chức đó. Khi tổ chức tiếp cùng chủ đề tại Hà Nội, sau phần nghi thức (ví dụ giới thiệu thành phần tham dự), quý vị sẽ công bố bản tổng kết đó cho mọi người (cả bản tiếng Việt và tiếng Anh) để mọi người cùng xem, trước khi vào buổi thảo luận chính thức. Mục đích của việc làm này, tránh lặp lại ý mà người khác đã nói trong phiên trước, nhằm để đỡ mất thì giờ quay trở lại những gì đã được tổng kết và ghi nhận như là sự thật hiển hiện không thể chối bỏ, đặc biệt là về tính tư tưởng và triết lý. Phần này thuộc về lý luận, nên dễ gây ra nhàm chán nếu như cứ phải lặp đi lặp lại cùng một nội dung từ nơi này đến nơi khác. Điều cần thiết là mỗi lần tổ chức như vậy, phải nêu ra ý mới, hoàn cảnh mới, sự việc mới, nạn nhân mới, nhân chứng mới v.v... Những điều này sẽ mang tính thời sự nóng để thu hút mọi người. Do đó, quý vị phải có vài người chuyên trách (hay luân phiên) để đọc báo và điểm tin mỗi ngày, thống kê số liệu (nếu có) và tổng hợp tin tức cho mỗi loại đề tài mà quý vị chủ xướng. Không nên để sự việc “ắp lẵm” đến gần ngày hội thảo mới viết bài, đúc kết hay chuẩn bị nội dung trình bày trong chỉ vài ngày. Nó dễ dẫn đến thiếu hụt thông tin hay “quá tải” trong việc làm và biểu hiện như thế dễ làm cho công luận thấy việc tổ chức thiếu phần chu đáo và sâu sắc.

5. Từ ý trên, về lâu dài, quý vị phải tính đến vấn đề chi phí lao động. Đó trở thành một thử thách lớn đối với quý vị trước luận điệu “nhận tiền của bọn phản động hay thế lực thù địch” mà nhà cầm quyền luôn phủ chụp quý vị để “quấy phá” việc làm ôn hòa và vì lợi ích cộng đồng blogger và các giai tầng khác? Ai cũng cần tiền để sống mà làm việc - “Chân lý ấy không bao giờ thay đổi” (mượn lời của ông Hồ Chí Minh).

Các vị đang công tác trong vai trò “dư luận viên” có ý kiến gì không? Hãy giúp chúng tôi một tay. Xin cám ơn.

(còn nữa)


________________________________
Share this article :

0 comments:

Post a Comment

Subscribe me



 
Support : Your Link | Your Link | Your Link
Copyright © 2013. Chính Luận - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Modified by CaraGampang.Com
Proudly powered by Blogger