An Nhiên (RFA) - Dư luận trong nước đang bức xúc rất nhiều về việc công an cưỡng chế tài sản cá nhân của người dân qua hành động kiểm tra tiệm vàng Hoàng Mai vừa qua mà không có một lý do thỏa đáng để trấn an dư luận.
Sự việc mới xảy ra vào trưa ngày 24/4/2014, tiệm vàng Hoàng Mai đang kinh doanh tại tầng trệt số nhà 384 đường Bùi Hữu Nghĩa - P.2 - Q.Bình Thạnh –Tp .HCM thì bất ngờ bị một số đông công an điều tra được trang bị vũ khí khám xét nhà, lập biên bản tịch thu trên 14,000 USD, niêm phong tài sản cá nhân của bà Nguyễn Thị Thanh Mai - chủ tiệm vàng - 559 lượng vàng.
Khám xét trái pháp luật
Theo quyết định khám xét tiệm vàng Hoàng Mai kinh doanh ngoại tệ trái pháp luật vào ngày 23/4/2014, nhưng việc khám xét điều tra tại tiệm vàng Hoàng Mai lại xảy ra vào trưa ngày 24/4/2014. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai chủ tiệm vàng cho biết việc khám xét như vậy là trái pháp luật:
Công an kiểm tra tiệm vàng Hoàng Mai ở số 384 đường Bùi Hữu Nghĩa,
P.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM hôm 24/4/2014. - Courtesy ĐSPL
P.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM hôm 24/4/2014. - Courtesy ĐSPL
“Chị thì không có kinh doanh cái gì hết mà người ta cũng không có bắt quả tang chị kinh doanh cái gì cả. Chị không hề kinh doanh cái gì gọi là đô la hay vi phạm pháp luật gì hết mà người ta không có bằng chứng gì mà chị vi phạm hết, vậy mà công an với gần hơn 20 người có đeo súng, xuống đàn áp khống chế, bắt chị mở tất cả các tủ từ trên xuống dưới.
Bà Mai cho biết công an đã khống chế, bắt buộc Bà phải mở hết tất cả các tủ đựng tài sản cá nhân để họ kiểm tra. Và Bà Mai đã ủy quyền cho luật sư làm đơn khiếu nại yêu cầu phía công an điều tra phải mở niêm phong trả lại số vàng và số tiền đô la Mỹ vì đó là tài sản cá nhân:Chị thì chị không biết như thế nào mà chị thấy nó sai pháp luật ở cái chỗ là ra quyết định ngày 23 mà ngày 24 mới xuống khám xét, trong khi ngày 23 chị không có vi phạm, mà ngày 24 chị cũng không có vi phạm. Quyết định ngày 23, nhưng xuống khám xét nhà chị là ngày 24, thì ngay tại thời điểm ngày 23, chị không có vi phạm pháp luật, đến ngày 24 mới xuống mà thực tế chị cũng không vi phạm cái gì hết.”
“Nó bắt chị - khống chế chị - đàn áp chị, bắt chị đi từ trên xuống dưới, mở tất cả các tủ, mà trong khi qui định của pháp luật là người dân có quyền cất giữ vàng, mà vàng của chị cất giữ tủ cá nhân của chị cũng bị mở và đem ra và đòi đem đi. Do chị không đồng ý đem đi, cuối cùng họ niêm phong mà trong khi không có bằng chứng chị mua bán gì hết đó, mà trong khi họ không có bằng chứng gì hết nguồn mua bán 100 đô. Nguồn tài sản của chị, tủ riêng của chị, tủ cá nhân của chị thì họ không có quyền đem đi, họ niêm phong thì bây giờ chị đang làm đơn khiếu nại yêu cầu họ xuống tháo niêm phong.”
Ông Dương Công Kiên, người được bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Giám đốc Công
ty Hoàng Mai, ủy quyền tiếp xúc với báo chí hôm 27/4/2014. Courtesy TNO.
ty Hoàng Mai, ủy quyền tiếp xúc với báo chí hôm 27/4/2014. Courtesy TNO.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định, kể từ ngày 25/5/2012, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định. Theo đó, NHNN đã chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng Quốc gia. SJC cũng là đơn vị duy nhất được phép dập, gia công vàng miếng. Và cho đến hiện nay, thì việc kinh doanh vàng miếng, trao đổi ngoại tệ tại Việt Nam chỉ dành cho một số Ngân hàng nhà nước mới được quyền kinh doanh loại vàng thẻ và các giấy tờ có giá trị ngoại hối. Việc kinh doanh này, đang làm giàu cho một nhóm lợi ích và làm cho hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ phải đi đến phá sản với điều luật kinh doanh vàng – trao đổi ngoại tệ độc quyền. Nhà báo Huy Đức chia sẻ trên facebook:
“Khi cấm người dân ‘thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng và ngoại tệ’(một quyết định đúng) lẽ ra phải cho phép các tiệm vàng mua bán ngoại tệ để người dân, khách nước ngoài dễ dàng đổi ngoại tệ ra tiền đồng, đằng này lại chỉ tạo độc quyền cho một số "đại gia". Chỉ vì một quyết định hành chánh mà nếu nó được áp dụng có thể khiến cho một doanh nghiệp nhỏ "tán gia bại sản" thì không thể coi đó là một quyết định đúng đắn trong nền kinh tế thị trường của nhà nước pháp quyền. Chính sách quản lý vàng miếng và quản lý ngoại tệ hiện đang có nguy cơ bị những người thi hành lạm dụng, biến chúng trở thành một thứ "Chỉ thị Z-30" của thời 1983.”
Quy định chồng chéo
Chủ tiệm vàng nữ trang Kim Thành đang kinh doanh tại Quận 11- Tp. HCM cho chúng tôi biết vì không muốn gặp rắc rối với công an, nên đã không dám kinh doanh vàng miếng, và buôn bán ngoại tệ:
“Giấy kinh doanh sao mình làm vậy, nhưng mà đô thì họ cấm thì mình làm theo, họ cấm cái gì thì mình chấp hành theo cái đó đi chứ để mắc công rồi nó phiền hà, phiền phức lắm. Nhiều lúc mình mua bán lu bu vậy, cái họ đến họ niêm phong không cho mua bán rồi mắc công nữa. Hồi xưa thì có bán SJC nhưng bây giờ thì cấm từ lâu rồi nên chị không có bán cái đó với đô chị cũng không bán luôn. Nói chung thì tiền đô người ta đã cấm rồi mình thì bây giờ mình không có bán nữa, chỉ nữ trang là họ không bắt mình được thôi, tại nữ trang mình có giấy kinh doanh đàng hoàng. Bên mua bán nữ trang mà trong giấy phép kinh doanh là nữ trang không à, chứ không có vàng miếng mà cũng không có SJC.”
Chị chủ tiệm vàng cũng đọc báo trên mạng biết việc tiệm vàng Hoàng Mai bị tịch thu tiền mặt và niêm phong vàng cũng không khỏi bức xúc, Chị chia sẻ:
“Bây giờ tịch thu thì tịch thu, niêm phong thì niêm phong chứ nhưng những cái gì đồ cấm thì người ta phạt cứ phạt, còn những cái đồ không ấy thì phải trả lại cho người ta chứ. Chẳng hạn như họ thu tiền Việt, thí dụ bao nhiêu tỷ thì phải trả lại họ bao nhiêu tỷ chứ không lẽ giờ tịch thu của người ta.”
Một người làm việc trong tiệm vàng Hoàng Mai bức xúc cho chúng tôi biết về việc công an khám xét:
“Nó đi ăn cướp chúng nó đi ăn cướp, rồi tự nhiên nó đưa người ngoài đường vô buôn bán gì với chúng nó, nó đọc lệnh ký xét ngày 23, mà ngày 24 mới vi phạm, ông nội mấy thằng ăn cướp đó, nó có một đội quân khủng bố hùng hậu được chính phủ bảo lãnh.”
Việc khám xét, niêm phong cũng như tịch thu một số lượng lớn ngoại tệ vàng miếng mà không đưa ra lý do chính đáng của công an đã làm dư luận có lý do để lo sợ cho tài sản của mình vì luật lệ, quy định cũng như thông tư luôn chồng chéo và thay đổi liên tục đã và đang diễn ra hiện nay.
Người dân bắt dầu tự hỏi phải chăng biện pháp đánh tư sản đang lần hồi trở lại như những ngày đầu 30 tháng 4 năm 1975 dưới những hình thức khác?
An Nhiên
0 comments:
Post a Comment