Template Information

Home » » Truyền thông, một cuộc chiến khác của Vladimir Putin

Truyền thông, một cuộc chiến khác của Vladimir Putin

Written By Unknown on Wednesday, April 23, 2014 | 6:40 PM

Thụy My (RFI) - Đe dọa, kiểm duyệt, tuyên truyền : khi sử dụng ba đòn bẩy này, điện Kremli kiểm soát chặt chẽ những sự kiện với cách diễn dịch của mình với công luận Nga, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Trong bài viết mang tựa đề « Thông tin, một cuộc chiến khác của ông Vladimir Putin », nhật báo Le Figaro hôm nay cho biết theo các nhà báo, tình hình hiện nay tại Nga còn tệ hại hơn thời kỳ Liên Xô cũ.

Pavel Goussev đã nếm trải đủ mọi mặt của nghề làm báo tại Nga : kiểm duyệt thời Brejnev, tự do sổ lồng trong thập niên 90, rồi đến sự « phục hồi » do Vladimir Putin chỉ đạo. « Tôi kết luận rằng làm nghề này vào năm 1983 còn đơn giản hơn là năm 2014 ». Tổng biên tập nhật báo nổi tiếng Moskovski Kommolets khẳng định như vậy với một nụ cười.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trên truyền hình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trên truyền hình. REUTERS/Ilya Naymushin

Người chủ tịch Hiệp hội các nhà báo Matxcơva mô tả lịch làm việc trong ngày của một ông chủ báo xô-viết thời trước. Buổi sáng nhận chỉ thị từ thông tấn xã Tass, ấn định danh sách và độ dài các bản tin, viết các phóng sự, và buổi tối được triệu tập đến văn phòng 716 của bộ phận kiểm duyệt, để được bật đèn xanh cho xuất bản. Ông kể lại : « Tôi thú vị với cách sử dụng chiếc lưỡi của Êdốp, làm thế nào để giới trí thức có thể ngầm hiểu được ». Pavel Goussev cho biết : « Thời kỳ 1991-1997 thực sự tự do : tôi có thể cúp máy trước mũi một ai đó. Ngược lại, ngày nay người ta tuyên bố chiến tranh với chúng tôi ».

Tuyên truyền thời Putin còn trắng trợn hơn thời Brejnev

Song song với hồ sơ Ukraina, chính quyền Nga lao vào một trận chiến thông tin do Matxcơva chỉ đạo, được truyền hình công và các trang web thân chính phủ thực hiện, và nạn nhân là các phương tiện truyền thông « tự do » do các đại gia kiểm soát. Nạn nhân mới nhất là mạng xã hội Vkontakte, một loại Facebook của Nga, mà người sáng lập Pavel Dourov mới hôm qua đã loan báo sẽ ra đi và « không bao giờ trở lại » nước Nga.

Khuôn mặt hàng đầu trong cuộc chiến thông tin là Dimitri Kisselev, vừa được thăng làm tổng giám đốc Rossia Sevodnia (Nước Nga ngày nay), một tập đoàn đa ngành về truyền thông của Nhà nước. Kisselev là một trong số 33 nhân vật Nga và Ukraina nằm trong danh sách trừng phạt của Liên hiệp châu Âu.

Trong chương trình thời sự chủ nhật thu hút trên 10 triệu người xem, ông ta cảnh cáo việc hiến tạng của người đồng tính, tưởng tượng Hoa Kỳ « trở thành những đống tro phóng xạ » sau khi Nga can thiệp quân sự, cảm thấy bị « tràn ngập » bởi « khối u ung thư NATO », nêu ra gốc gác Do Thái của một số lãnh tụ đối lập Nga. Dimitri Kisselev nhận được sự ủng hộ của 70 đại diện các phương tiện truyền thông Nga, họ lên án châu Âu là đe dọa « tự do ngôn luận ».

Serguei Bountman, phó tổng biên tập đài phát thanh độc lập Tiếng vọng Matxcơva nhận xét : « Những lời bình của Kisselev vừa buồn cười vừa nguy hiểm ». Boris Toumanov, từng là thông tín viên lâu năm của thông tấn xã Tass khẳng định: « Không khí chính trị còn kinh tởm hơn cả thời Brejnev. Ngay cả thời Liên Xô, người ta vẫn không tự cho phép tuyên truyền một cách quá trớn, vô độ như vậy ».

Theo nhiều nhà quan sát, các kênh truyền hình công, vốn là nguồn thông tin duy nhất đối với đại đa số người dân, khi lên chương trình đều hợp tác với điện Kremli, và đôi khi với cơ quan tình báo FSB. Tình báo cung cấp cho họ những băng ghi âm nghe lén và video để làm mất uy tín các đối thủ của chế độ.

Cho dù luật im lặng ngự trị, những bí mật trong việc lên chương trình thời sự truyền hình không thể được tiết lộ, nhưng trong thời gian can thiệp quân sự vào Crimée, chỉ có mỗi một mục tiêu : chứng minh với công luận rằng người dân bán đảo này, với sự hỗ trợ của Matxcơva, đã tự giải phóng khỏi quyền lực « tân phát xít » của Ukraina.

Khi Vladimir Putin hồi đầu tháng Ba chối cãi sự hiện diện của quân đội Nga tại Crimée, các nhà báo của những kênh truyền hình công đã phải đổi tên quân đội nước mình thành « các nhóm tự vệ địa phương ». Một phóng viên nói : « Sẽ thành buồn cười nếu nói ngược lại những gì tổng thống tuyên bố ». Tương tự, các lực lượng thân Nga và ly khai đang hoạt động tại Donetsk được giới thiệu là « các nhà đấu tranh cho liên bang hóa » cho phù hợp với chỉ thị của ngành ngoại giao Nga.

Các « blogger Kremli »

Song song đó, chính quyền Nga còn dựa vào internet, một công cụ từ lâu bị buông lơi, phần lớn được điều khiển bởi lãnh đạo các phong trào thanh niên thân chính quyền. Thư từ trao đổi giữa những người này bị một nhóm hacker Nga tiết lộ, cùng với lời chứng của một nhà báo tờ Novaia Gazeta thâm nhập vào phong trào, cho thấy sự hiện hữu của một mạng lưới được mệnh danh là « các blogger của Kremli », tài trợ bằng công quỹ hay đóng góp của các đại gia.

Các blogger này có nhiệm vụ liên tục đăng lên những bài tán tụng chính quyền Putin, hay tấn công phe đối lập. Giá cả được đề nghị là 1.180 rúp mỗi ngày (24 euro), và buộc phải đăng 100 lời bình mỗi ngày, hầu hết được viết sẵn. Những chiếc iPad được tặng cho những cây bút xuất sắc nhất. Cho dù ảnh hưởng của những tay viết thuê này còn phải bàn cãi, nhưng theo Natalia Sindeeva, tổng giám đốc kênh truyền hình đối lập Dojd, thì : « Các blogger của Kremli tràn ngập không gian tư tưởng. Họ chiếm đến 80% trang Facebook của tôi, trét đầy bùn lên đó ».

Đã có lần Dojd chiếu một phóng sự về các nhà nghỉ mát sang trọng của năm lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất đang cầm quyền, khiến Kremli hết sức giận dữ. Hậu quả là các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp quan trọng bèn loại kênh này ra khỏi gói cung cấp, và nữ giám đốc đành phải kêu gọi tài trợ ủng hộ để kênh này có thể sống sót.

Cùng với sự lên ngôi của thông tin « chính thống », các phương tiện truyền thông độc lập bị trừng phạt. Trang mạng tin tức Lenta.ru bị kết án là « cực đoan » vì đăng bài phỏng vấn lãnh đạo một nhóm dân tộc chủ nghĩa Ukraina, ban biên tập phải tự giải thể. Tổng biên tập tờ Nezavissimaya Gazeta là Konstantin Remtchoukov phải thường xuyên hầu tòa vì một bài báo bị cho là chỉ trích Giáo hội Chính thống giáo. Từ hai năm qua, khoảng một trăm dự án luật đã được đưa ra « với mục đích răn đe báo chí ». Dự thảo mới nhất dành riêng cho Viện Kiểm sát khả năng « phong tỏa tất cả những thông tin không đáng tin cậy về các ngân hàng và công ty quốc doanh ». 

Nga thúc đẩy kinh tế Crimée bằng máy đánh bạc và casino ?

Cũng liên quan đến Nga, nhật báo Le Monde quan tâm đến việc « Matxcơva nhắm vào các máy đánh bạc và casino để tái thúc đẩy nền kinh tế Crimée ». Một khi hiệu ứng ngất ngây của rượu sâm banh đã trôi qua, Matxcơva mới tỉnh giấc và thấy đầu đau như búa bổ.

Vụ sáp nhập Crimée có nguy cơ khiến ngân sách Nga phải trả giá đắt, trong bối cảnh dự báo suy thoái trong quý II/2014. Matxcơva hứa hẹn tăng hưu bổng và tăng lương trong lãnh vực công, không đánh thuế các doanh nghiệp trong vòng 5 năm và thanh toán tiền gởi tiết kiệm. Để cứu vãn kinh tế Crimée, 7 tỉ đô la đã được trích từ quỹ dự phòng và quỹ trợ cấp. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov hứa sẽ bù đắp số thiếu hụt thuế khóa cho vùng đất mới sở hữu, khoảng 1,5 tỉ đô la.

Trong một dự thảo luật đệ trình Quốc hội hôm 21/4, ông Putin đề nghị biến Crimée thành « vùng thứ năm » được phép triển khai các máy đánh bạc và casino. Bốn vùng được cho phép trước đó là Kaliningrad, Altai, Krasnodar, Vladivostok. Vladimir Putin khẳng định : « Crimée có thể cạnh tranh với các lãnh địa khác như Macao, Monaco và Las Vegas. Vùng đất cờ bạc này có cơ hội rất lớn đạt được tầm vóc quốc tế ».

Tờ báo đặt câu hỏi, ai sẽ đến Las Vegas của Hắc Hải ? Từ khi bị Nga sáp nhập, Crimée gần như bị tách rời với phần còn lại của thế giới, không hãng hàng không nước ngoài nào bay đến. Hãng của Nga độc quyền nên giá vé rất đắt. Sáu triệu du khách của Crimée năm 2013, hầu hết là người Ukraina, sẽ không quay lại năm nay, còn đối với người Nga thì Crimée không phải là điểm đến ưa thích.

Trước mắt, « tầm vóc quốc tế » của Crimée còn phải chờ đợi lâu. Chuyển ngân bị tê liệt, thiếu tiền mặt, phụ tùng xe hơi không còn, tòa án không hoạt động vì các thẩm phán chưa biết luật hình sự Nga !

Barack Obama vẫn xoay trục sang châu Á dù vướng Ukraina

Nhìn sang châu Á, Le Figaro có bài viết mang tựa đề « Barack Obama xoay trục sang châu Á, cho dù bận bịu với Ukraina ». Tổng thống Mỹ phải trấn an các đồng minh châu Á, đang quan ngại trước sự bất lực của Washington trước Matxcơva hay Damas, trong lúc căng thẳng tăng cao tại khu vực.

Thông tín viên của Le Figaro tại Washington cho biết, việc xoay trục sang châu Á chắc chắn sẽ diễn ra – đó là thông điệp của Tổng thống Obama, vị Tổng thống « của Thái Bình Dương » trước khi lên đường công du thăm các quốc gia đồng minh tại lục địa này. Việc chuyển trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ được loan báo từ năm 2011 vẫn là « ưu tiên hàng đầu » trong chính sách ngoại giao Mỹ. Việc Nga tấn công Crimée của Ukraina vẫn không thay đổi được chủ trương này. Một viên chức Nhà Trắng hôm thứ Hai 21/4 khẳng định : « Chúng tôi vẫn có thể vừa đi vừa nhai kẹo chewingum ».

Ông Barack Obama đi một vòng Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines trong bối cảnh khu vực hết sức căng thẳng. Đặc biệt là sự hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông : Trung Quốc lao vào cuộc chiến chủ quyền với Philippines và Việt Nam – hai nước đang mong muốn Mỹ tăng cường hỗ trợ ; bên cạnh đó là việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông. Tất cả các đồng minh của Washington đang mong mỏi được trấn an, sự thụ động của Hoa Kỳ trước hồ sơ Syria và Ukraina khiến họ lo ngại.

Rõ ràng là cái bóng của Bắc Kinh đang đè lên chuyến công du này. Ý định của Mỹ trở thành đối trọng với Trung Quốc không còn là bí mật với bất kỳ ai, tuy vậy Washington vẫn biện minh là không muốn ngáng chân Bắc Kinh, nhắc lại rằng chỉ muốn « hợp tác » với khu vực. Theo Le Figaro, trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay với Matxcơva, Obama sẽ phải cân nhắc từng từ một về mối đe dọa Trung Quốc trong chuyến công du, vì ông hiểu rõ là Putin cũng cần đến Bắc Kinh.

Lời thú tội kiểu Cách mạng văn hóa của blogger nổi tiếng

Cũng về châu Á, nhật báo Libération đề cập đến sự kiện truyền hình Nhà nước Trung Quốc tuần rồi đã dàn cảnh việc nhà ly khai Tiết Tất Quần (Charles Xue), bút danh Tiết Man Tử nhận tội. « Phóng sự » này được quay trong một trại giam, cho thấy cảnh blogger có đến 12 triệu người theo dõi đang « cải tạo tư tưởng ». Ông bị bắt vào tháng Tám với cớ « giao du với gái mại dâm », tuy thực ra chính những hoạt động trên mạng mới đưa ông vào tù.

Bị hai điều tra viên mặc đồng phục kèm sát từ tám tháng qua, kẻ tội lỗi trước camera đã nhục nhã thú nhận là từ khi mở tài khoảng Vi Bác, ông đã nhiễm thói kiêu ngạo, tự coi mình là Hoàng đế Trung Hoa vì mỗi bài viết nhận được đến 100.000 lời bình luận. Người ta hiểu rằng blogger này đã bị bắt lặp đi lặp lại nhiều lần lời thú tội cho có vẻ tự nhiên. Ống kính máy quay phim dừng lại trước một tập hồ sơ dày cộm những bản nhận tội của ông, để làm vui lòng Ban Tuyên huấn đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã chỉ đạo trong hậu trường hoạt cảnh này.

Doanh nhân Mỹ gốc Hoa Charles Xue nằm trong số khoảng 100 nhân vật nổi tiếng nhất Trung Quốc được gọi là « Đại V » (Da V, những tài khoản lớn mà danh tính của chủ nhân đã được kiểm tra), mà các bài viết của họ được 5, 10 thậm chí 15 triệu người theo dõi. Một số có ảnh hưởng lớn đến nỗi đảng coi họ là mối đe dọa. Hôm 10/4, Ban Tuyên huấn đã triệu tập các Đại V lên, yêu cầu viết cam kết sẽ tự kiểm duyệt. Ông Xue là một trong những người hiếm hoi dám từ chối, và đã bị chọn lựa trừng trị để làm gương : chỉ vài ngày sau ông bị bắt.

Lời thú nhận và xin khoan hồng của ông mang dáng dấp của thời kỳ Cách mạng văn hóa, và bài phóng sự cho biết Charles Xue sẽ được trả tự do có điều kiện. Được Libération hỏi, phải chăng việc thú tội công khai là cái giá phải trả để được tự do, luật sư của ông không muốn đưa ra lời bình luận nào.

Thụy My
Share this article :

0 comments:

Post a Comment

Subscribe me



 
Support : Your Link | Your Link | Your Link
Copyright © 2013. Chính Luận - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Modified by CaraGampang.Com
Proudly powered by Blogger